Hành vi và sinh thái Cynops pyrrhogaster

Cặp đôi C. pyrrhogaster mẫu

Sinh sản và vòng đời

Sa giông sinh sản trong ruộng lúa, ao hồ và suối. Con cái hưởng ứng được con đực tán tỉnh từ mùa xuân tới đầu hè.[20] Khi sẵn sàng giao phối, cả hai đều tiết ra peptide pheromone để thu hút cá thể khác giới. Con đực tiết ra sodefrin (từ tiếng Nhật sodefuri, n.đ thu hút);[22] con cái thì tiết ra loại khác gọi là imorin (từ tiếng Nhật imo (いも), n.đ (nữ) yêu dấu, và rin trong sodefrin). Chất này tiết ra từ lỗ huyệt. Đây là peptide pheromone đầu tiên được xác định ở động vật có xương sống cũng như ở cá thể cái của động vật có xương sống.[10][23]

Quá trình tán tỉnh bắt đầu khi con đực tiếp cận con cái, đánh hơi hai bên hoặc lỗ huyệt. Sau đó, con đực đưa đuôi về phía con cái và rung nhanh. Con cái đáp ứng bằng cách thúc mõm vào cổ con đực. Đến lúc này, con đực từ từ di chuyển ra xa, nhấp nhô đuôi, còn con cái đi theo, lấy mõm chạm đuôi khi đến gần. Sau đó, con đực phóng ra 2 đến 4 nang chứa tinh, mỗi lần một nang cách nhau vài cm. Con cái dùng lỗ huyệt gắp lấy các nang này, nhưng có lúc cũng không được. Con cái đẻ từng trứng riêng trên các vật dưới nước, như lá và rễ cỏ ngập nước. Từng trứng này đều được thụ tinh từ các nang chứa tinh mà chúng đã lấy. Chúng có thể đẻ tới 40 trứng mỗi đợt sinh nở, và tổng cộng từ 100 đến 400 trứng trong một mùa sinh sản.[24]

Sa giông nhìn về phía ống kính

Sau khoảng ba tuần, trứng nở ra ấu trùng nòng nọc có mang, có vây đuôi, bơi trong nước. Chúng phát triển khoảng 3 cm (1,2 in) trong ba tháng đầu. Được khoảng từ 5 đến 6 tháng, ấu trùng ngừng ăn để biến thái, trở thành con non không mang và vây nữa. Khác với ấu trùng, con non sẽ chết đuối nếu chìm trong nước.[25][26] Ở độ cao thấp thì sa giông trưởng thành nhanh hơn những cá thể ở cao hơn. Sa giông đực ở cao hơn có xu hướng sống lâu hơn sau khi trưởng thành, nhưng kích thước lại nhỏ hơn sa giông ở vùng thấp. Người ta phát hiện được những cá thể hoang dã đạt đến 23 tuổi.[20]

Chế độ ăn

Trong môi trường nuôi nhốt, nòng nọc có thể ăn bọ gậy, tôm ngâm mặngiun đất.[25] Con non thường ăn các loài Collembola (đuôi lò xo) và Acari (rệp đất).[15] Những con trưởng thành thuộc hệ sinh thái núi như ở dãy Azuma tỉnh Fukushima bắt cả con mồi sống lẫn động vật đã chết. Chúng ăn nhiều loại côn trùng, như các các loài Odonata chuồn chuồn hay kim kim. Một phần cơ thể chuồn chuồn hay toàn bộ ấu trùng được tìm thấy nguyên vẹn trong dạ dày sa giông. Các thức ăn côn trùng khác có thể kể đến phân bộ Brachycera trong bộ ruồi Diptera; Bộ Cánh màng gồm bọ cánh cứng Coleoptera và ong, kiến. Chúng cũng ăn nòng nọc Rhacophorus arboreus và trứng đồng loại. Chế độ ăn thay đổi theo mùa và theo năm, từ thay đổi của những động vật nhỏ trong ao và xung quanh.[17] Kết quả tương tự thu được từ ao của khuôn viên Đại học thủ đô TokyoHachiōji, trong dạ dày sa giông chứa côn trùng thuộc nhiều bộ khác nhau, cả trứng đồng loại. Cả nòng nọc ếch cũng được phát hiện trong đó nhưng thuộc loài Rhacophorus schlegelii.[27]

Con mồi của động vật ăn thịt

Sa giông nằm ngửa cho thấy rõ vùng bụng màu đỏ tươi

Sa giông ở nội địa Nhật Bản có hành vi phản ứng lại động vật săn mồi khác với đồng loại trên các đảo nhỏ. Trên các đảo nhỏ như Fukue, các cá thể thường có phản xạ Unken[lower-alpha 3] để lộ phần bụng đỏ tươi trước những loài săn mồi. Vì động vật săn mồi chính là các loài chim có khả năng phân biệt màu đỏ nên cách này rất hiệu quả. Ngược lại trên đảo lớn nội địa, kẻ thù chính là các loài thú không nhận biết màu sắc rõ như chim săn mồi. Từ đó, sa giông nội địa ít có phản xạ này, nếu dùng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.[16]

Trường hợp kẻ săn mồi là rắn hiện diện ở cả hai khu vực quần thể này. Để đối phó với rắn, sa giông đảo Fukue có xu hướng rung đuôi để thu hút kẻ đi săn thay vì nhắm vào phía đầu. Ngược lại, đồng loại tại Nagasaki nội địa Nhật Bản thì có xu hướng đơn giản là chạy trốn. Điều này có thể giải thích là do sa giông nội địa đã thích nghi với việc phải trốn chạy khỏi động vật có vú vốn ít bị lạc hướng trước màn trình diễn rung đuôi như vậy.[28]

Độc tố

C. pyrrhogaster hoang dã chứa hàm lượng cao chất độc thần kinh tetrodotoxin (TTX).[29] Độc tố này ức chế hoạt động của các kênh natri ở hầu hết động vật có xương sống, khiến chim và thú không dám săn bắt sa giông.[28] Thí nghiệm cho thấy nguồn gốc chất độc gần như đến từ chế độ ăn của sa giông. Khi lớn lên trong môi trường nuôi nhốt không có nguồn TTX, con non 36 đến 70 tuần tuổi không chứa độc tố ở mức phát hiện được. Các mẫu vật hoang dã từ cùng môi trường sống ban đầu lại có độc tính cao. Trong cá thể sinh ra trong môi trường nuôi nhốt, các nhà khoa học vẫn phát hiện được TTX, chứng tỏ có thể độc tố được chuyển từ cơ thể mẹ vào trứng.[29] Nhóm nhà khoa học tiếp tục thực hiện thí nghiệm với đối tượng sinh ra trong môi trường nuôi nhốt với thức ăn có chứa chất độc thần kinh. Sa giông tiêu hóa được trùn huyết pha TTX mà không phát sinh triệu chứng ngộ độc nào. Sau đó khi kiểm tra thì phát hiện độc tố tồn tại trong cơ thể, điều này càng cho thấy thực phẩm là nguồn gốc của chất độc. Hiện chưa phát hiện được sinh vật nào sản xuất ra TTX trong môi trường sống của sa giông, nhưng chúng khả dĩ tồn tại và để giải thích cho nguồn gốc TTX trong sa giông hoang dã.[30]